Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, thông thường, để chế
tạo ra sản phẩm thường sử dụng công nghệ sản xuất truyền thống (sản xuất thuận –
Forward Engineering). Trong nhiều năm trở lại đây, với sự phát triển của công
nghệ, xuất hiện một dạng sản xuất theo một chu trình mới, đi ngược với sản xuất
truyền thống, đó là công nghệ thiết kế ngược (Reverse Engineering) hay cũng được
hiểu là công nghệ chế tạo ngược. Công nghệ thiết kế ngược là quy trình thiết kế
lại mẫu – mô hình vật lý có sẵn trước đó, do trong quá trình làm việc đã không
còn nguyên vẹn so với thực trạng ban đầu hay sản phẩm không có bản vẽ thiết kế,
thông qua số hóa bề mặt mẫu bằng thiết bị đo tọa độ, sau đó, xây dựng mô hình
thiết kế từ dữ liệu số hóa đó.
Công nghệ Thiết kế ngược giúp rút ngắn thời gian
nghiên cứu, tạo nên sản phẩm mới, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa các phương
diện thị trường thương mại và sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới mẫu mã sản
phẩm nhanh, sản phẩm công nghệ cao, phù hợp với tính cạnh tranh của thị trường
ngày càng khốc liệt. Hơn thế, công nghệ thiết kế ngược còn có thể tái xây dựng
các sản phẩm không còn được sản xuất nữa để biến mọi ý tưởng thành hiện thực. Có
thể thấy thiết kế ngược ứng dụng trong nhiều ngành như công nghiệp ô tô, xe máy,
tàu thuyền, hàng không vũ trụ, trong sản xuất chế tạo khuôn mẫu, in 3D, các lĩnh
vực y tế, kiến trúc, nghệ thuật...
Với mục đích giúp người đọc làm quen và có khả năng
thiết kế ngược, nhóm tác giả đã biên soạn cuốn sách này với sự giúp đỡ tận tình
của các đồng nghiệp – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, nhằm dùng làm tài
liệu học tập cho môn học Công nghệ tạo mẫu nhanh & Thiết kế ngược, dùng cho sinh
viên Đại học và học viên Cao học thuộc nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí.